5
Trung thành với truyền thống của cuộc Cách mạng Pháp, các Nhà nước
cộng sản đã phạt vạ tuyệt thông đối với hành động xuất cư, nó bị coi như là
sự phản bội xấu xa nhất. Tất cả những ai ở lại nước ngoài đều bị kết án
vắng mặt tại đất nước của họ và những người đồng bào không dám giữ liên
lạc với họ. Tuy thế, khi thời gian trôi đi, sự nghiêm khắc của lệnh phạt vạ
tuyệt thông yếu dần, và, vài năm trước 1989, mẹ Irena, mới góa chồng, một
người đã nghỉ hưu vô hại, lấy được visa để sang Ý một tuần, qua một hãng
du lịch của Nhà nước; năm sau đó, bà quyết định ở lại Paris năm ngày và bí
mật gặp con gái. Cảm động, đầy niềm xót thương với một người mẹ mà cô
hình dung là đã già đi, Irena đặt cho bà một phòng khách sạn và hy sinh một
phần số ngày nghỉ phép của mình để có thể lúc nào cũng được ở bên cạnh
mẹ.
“Trông con cũng không đến nỗi nào”, mẹ cô nói khi hai người gặp nhau.
Rồi, bà vừa cười vừa nói thêm: “Mẹ cũng biết thế thôi. Khi viên cảnh sát ở
cửa khẩu nhìn hộ chiếu của mẹ, hắn ta nói: đây là hộ chiếu giả, thưa bà!
Đây không phải là ngày tháng năm sinh đúng của bà!” Ngay lập tức, Irena
tìm thấy lại mẹ mình như cô vẫn luôn luôn biết và có cảm giác chưa có gì
thay đổi sau quãng thời gian gần hai mươi năm đó. Sự thương xót dành cho
một bà mẹ già nua tan biến. Đứa con gái và bà mẹ đối diện với nhau như
hai con người bên ngoài thời gian, như hai bản chất phi thời gian.
Nhưng việc một đứa con gái không thấy thích thú với sự có mặt của bà
mẹ đến gặp cô sau mười bảy năm lại không phải là rất tệ hại hay sao? Irena
huy động toàn bộ lý trí của mình, toàn bộ ý thức đạo đức của mình, để cư
xử như một đứa con gái tận tâm. Cô dẫn bà đến ăn tối ở quán ăn trên tháp
Eiffel; cô mua vé đi tàu trên sông Seine để giới thiệu Paris cho bà; và vì mẹ
cô muốn đi xem tranh, cô cùng bà đến bảo tàng Picasso. Trong căn phòng
thứ hai, bà mẹ dừng bước chân: “Mẹ có một bà bạn là họa sĩ. Bà ấy tặng mẹ
hai bức tranh. Con không thể tưởng tượng được chúng đẹp đến thế nào
đâu!” Trong phòng thứ ba, bà nói muốn xem tranh của các họa sĩ chủ nghĩa