6
Hôm trước ngày bà đi, Irena giới thiệu Gustaf, người bạn trai Thụy Điển,
với bà. Họ ăn tối tại một quán ăn, và bà mẹ vốn không biết từ tiếng Pháp
nào đã anh dũng sử dụng tiếng Anh. Gustaf sung sướng vì điều đó: với
người tình của mình, anh chỉ nói tiếng Pháp và cảm thấy mệt mỏi với thứ
tiếng mà anh cho là khiên cưỡng và không mấy tiện lợi ấy. Tối hôm đó,
Irena không mở miệng nhiều: kinh ngạc, cô quan sát bà mẹ đang chứng tỏ
một khả năng không thể ngờ tới về biết quan tâm tới người khác; với ba
mươi từ liếng Anh phát âm rất tồi, bà nhấn chìm Gustaf trong những câu
hỏi về cuộc đời anh, về công ty của anh, về những ý kiến của anh, và gây
cho anh ấn tượng mạnh.
Ngày hôm sau, bà mẹ đi. Khi từ sân bay trở về, trong căn hộ của mình ở
tầng cao nhất một tòa nhà, Irena đi ra cửa sổ để tận hưởng, trong sự yên tĩnh
tìm thấy lại, tự do của cô đơn. Cô nhìn thật lâu những mái nhà, sự đa dạng
của các ống khói được làm thành những hình thù kỳ quặc nhất, cái thảm
thực vật Paris từ lâu nay với cô đã thay thế màu xanh cây cỏ của những khu
vườn Séc, và cô nhận ra mình hạnh phúc biết bao nhiêu vì được ở thành phố
này. Cô vẫn từng luôn coi sự nhập cư của mình là một bất hạnh hiển nhiên
Nhưng, vào lúc này, khi tự hỏi mình, liệu rằng điều bất hạnh ấy có phải là
một ảo ảnh không, một ảo ảnh gây nên bởi cái cách mọi người vẫn hình
dung về một người nhập cư? Liệu rằng có phải cô vẫn đọc cuộc đời của
chính mình theo một bản hướng dẫn chung mà những người khác đặt vào
tay cô? Và cô tự nhủ rằng cuộc nhập cư của mình, mặc dù bị áp đặt từ bên
ngoài, ngược lại ý muốn của cô, có thể lại là giải pháp tốt nhất cho cuộc đời
cô, mà cô không hề hay biết. Những sức mạnh ghê hồn của Lịch sử từng
giết chết tự do của cô hóa ra lại giải phóng cho cô.
Vì thế cô hơi bối rối khi vài tuần sau Gustaf kiêu hãnh thông báo với cô
một tin mừng: anh đi gợi ý cho hãng của anh mở một văn phòng tại Praha.
Đất nước cộng sản ấy không mấy hấp dẫn về mặt thương mại, văn phòng sẽ
nhỏ thôi, nhưng anh sẽ có cơ hội thỉnh thoảng qua đó.