Đám mây không chịu rời đi, chẳng biết nó mê mẩn tôi hay đỉnh núi nữa.
Bỗng tôi nhận ra mình có mái tóc trắng xóa như bộ râu băng giá đang bám
quanh cằm: chắc trông tôi giống hệt thầy tu ẩn dật già nua.
“Mình sẽ đến lều trú chân,” tôi nghĩ vậy và gần như ngay lập tức tôi nhận ra
là mình chẳng nhìn thấy nơi trú chân nào hết. Ấy vậy mà cái bản đồ chỉ rõ
là ngôi lều ở đó, ở phía dưới một chút. Bản đồ này in năm ngoái: không
hiểu trong thời gian đó, mụ phù thủy Yamamba có phá ngôi lều đó đi
không? Ngay lập tức tôi đi tìm căn lều. Cơn bão tuyết đã lan rộng ra, giờ nó
phủ kín hết cả quả núôi không thể chui ra khỏi đám mây được. Tôi đi xuống
theo đường vòng xung quanh đỉnh để chắc chắn là không bỏ qua mất mục
tiêu mình đang tìm kiếm. Tôi chỉ lờ mờ nhìn thấy đầu ngón tay giơ ra phía
trước. Tôi cứ đi dò dẫm như thế mãi, hệt như mê ngủ mà hai mắt vẫn mở
trừng trừng.
Ngón tay tôi va vào thứ gì đó cứng cứng: căn lều trú chân. “Thoát rồi!” tôi
reo lên. Tôi lần mò quanh căn lều, tìm thấy cửa và chui vào trong.
Bên trong chẳng có gì và cũng chẳng có ai hết. Nền nhà, tường và trần đều
bằng gỗ. Trên mặt đất, một chiếc chăn cũ che chiếc lò sưởi kotatsu của
Nhật: mắt tôi mở to nhìn thứ xa xỉ đó và kêu lên vui sướng ngạc nhiên khi
thấy nó vẫn còn nóng bỏng. Tuyệt.
Kotatsu không chỉ là lò sưởi, nó còn là một lối sống: trong các ngôi nhà
truyền thống thường có một cái hố vuông chiếm một góc rộng trong phòng
khách, ở giữa hố đó là cái lò bằng kim loại. Người ta ngồi xuống đất, chân
thõng xuống hố tràn đầy hơi ấm, và dùng một tấm chăn rộng mênh mông để
che cái hố không khí nóng bỏng đó.
Tôi biết có những người Nhật nguyền rủa lò kotatsu: “Suốt cả mùa đông bị
cầm tù trong tấm chăn này, lúc nào cũng luẩn quẩn quanh cái hố đó và phải