- Nani ô shaimasu ka?
Sau phút sững sờ, Quý ông phá lên cười. Ông bà anh thì bực mình mắng,
bảo tôi không được nói thế. Quý bà thì đợi mọi người im lặng rồi mới cười
bảo tôi:
- Sao cháu phải nhọc sức tỏ ra lịch sự làm gì? Mặt cháu lúc nào cũng sinh
động thế thì làm sao ra vẻ quý bà được.
Tôi khẳng định điều mà vẻ lịch thiệp của bà đã lờ mho thấy từ trước: bà
ghét tôi. Không những lấy mất con trai bà, tôi còn là người nước ngoài nữa.
Ngoài hai tội ấy, bà còn linh cảm thấy điều gì đó trong tôi khiến bà còn ghét
hơn.
- Nếu Rika mà ở đây thì thể nào nó cũng cười đến chảy cả nước mắt mất
thôi, Rinri nói, không để ý đến câu nói ác nghiệt của mẹ anh.
Hồi trước, tôi từng học tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Đức và tiếng Ý. Với
tất cả các sinh ngữ này, tôi đều hiểu nhiều nhưng nói được ít. Điều đó cũng
hợp lý thôi: người ta bao giờ cũng quan sát một hành vi rồi mới bắt chước.
Ta có trực cảm ngôn ngữ ngay cả khi chưa có khả năng nói được thứ ngôn
ngữ đó trôi chảy.
Với tiếng Nhật thì ngược lại: nhận thức chủ động của tôi vượt xa nhận thức
thụ động. Hiện tượng đó chưa bao giờ biến mất và tôi chẳng thể giải thích
được. Rất nhiều lần tôi diễn đạt được bằng tiếng Nhật những ý tưởng phức
tạp đến nỗi người trò chuyện cùng tôi cứ tưởng gặp được thạc sĩ Nhật Bản
học nên trả lời bằng những lời lẽ phức tạp không kém. Tôi chẳng còn cách
nào khác là chuồn đi để giấu không cho người đó biết mình chẳng hiểu bất
cứ từ nào trong lời đáp. Khi không chuồn đi được, tôi đành cố hình dung ra
xem thực ra người đó nói gì và cứ thế tiếp tục cuộc độc thoại giả là đối
thoại đó.