Tôi kể hiện tượng này với một số nhà ngôn ngữ học, họ cam đoan với tôi đó
là chuyện bình thường: “Cô không thể có trực cảm ngôn ngữ với thứ tiếng
khác xa tiếng mẹ đẻ của cô đến vậy.” Nhưng thực ra tôi đã nói tiếng Nhật
cho đến tận lúc lên năm tuổi đấy chứ. Hơn nữa, tôi đã từng ở Trung Quốc, ở
Bangladesh, v.v., ở các nước đó, cũng như ở những nơi khác, nhận thức thụ
động của tôi với ngôn ngữ địa phương bao giờ cũng trội hơn nhận thức chủ
động. Vậy là trong trường hợp của tôi thực sự có ngoại lệ đối với tiếng
Nhật, tôi muốn dùng số phận để lý giải điều này: đó là đất nước nơi tôi
không thể nghĩ đến chuyện thụ động được.
Điều gì phải đến đã đến: tháng Sáu, Rinri rầu rầu thông báo với tôi là hết
tương mận đắng mất rồi.
- Chúng mình dùng với tốc độ như thế thì không thể nào khác được.
Tiến bộ trong tiếng Pháp của anh khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi đáp:
- Càng hay! Em luôn mơ được đến Hiroshima cùng anh.
Mặt anh đang rầu rầu chuyển sang khủng khiếp. Tôi tìm cách giải thích theo
kiểu tương thuyết, viện dẫn nguyên do lịch sử:
- Cả thế giới ngưỡng mộ lòng dũng cảm của Hiroshima và Nagasaki khi
chịu đựng...
- Không phải vì chuyện đó đâu, anh ngắt lời tôi. Anh đã đọc cuốn sách nhỏ
do một bà người Pháp viết, cuốn em đã nói với anh ấy mà....
- Hiroshima tình yêu của tôi
- Đúng rồi. Anh chả hiểu gì hết. Tôi phá lên cười.