Xe đỗ trong một bãi xe khổng lồ trên vùng đồng bằng do dung nham tạo ra.
Không xe nào được đi quá vùng đó. Xe cộ cứ đổ về nườm nượp làm tôi
thấy ấn tượng lắm, điều ấy chứng tỏ nhu cầu trở thành người Nhật đích thực
của mọi người dân. Mà đó không phải chỉ vấn đề thủ tục đâu nhé: phải leo
từ mực nước biển lên đến độ cao 3776 mét trong chưa đến một ngày, vì chỉ
có trên đỉnh núi và dưới chân núi là có nơi ngủ. Thế mà trong đám đông
chen chúc ở điểm xuất phát này có cả người già, trẻ con, những bà mẹ bế
con còn đỏ hỏn - tôi thậm chí còn thấy một phụ nữ đang mang thai chừng
tháng thứ tám. Do đó mà quốc tịch Nhật luôn chứa hàm ý anh hùng.
Tôi nhìn lên không trung: núi Phú Sỹ là vậy đấy. Cuối cùng tôi cũng tìm
thấy một nơi mà từ đó trông núi không đẹp, bởi vì người ta không trông
thấy núi, đó là chân núi. Còn lại thì ngọn núi lửa này quả là thứ sáng tạo
tuyệt trần mà ta thấy ở gần như khắp mọi nơi, đến nỗi đôi khi tôi nghĩ đó là
một hình nổi ba chiều. Không thể tính hết những nơi ở Honshu có thể nhìn
thấy cảnh núi Phú Sỹ rất đẹp: có lẽ đếm những nơi không nhìn thấy ngọn
núi còn dễ hơn. Nếu những người theo chủ nghĩa quốc gia muốn tạo ra biểu
tượng liên bang, có lẽ họ nên xây núi Phú Sỹ. Không thể quan sát ngọn núi
mà không cảm thấy nhoi nhói chất huyền thoại thiêng liêng: nó quá đẹp,
quá hoàn hảo, quá lý tưởng.
Chỉ trừ có phần chân núi, nơi nó giống như mọi ngọn núi khác, một thứ
phình ra dị hình.