- Giờ cô làm gì? - người lính Mỹ hỏi.
- Tôi đợi người yêu.
Câu trả lời có tác dụng như mong đợi: anh chàng người Mỹ quay lại phía
đồng bằng ngay. Tôi thở dài khoan khoái.
Tôi đi dọc theo miệng núi lửa. Hình như phải mất cả ngày mới đi hết được
đường tròn ấy. Chẳng ai dám bén mảng vào bên trong: núi lửa đã tắt, nhưng
sự linh thiên vẫn ám ảnh công trường đá của những người khổng lồ này.
Tôi ngồi xuống đất, đối diện với nơi những người leo núi sẽ lên. Tất cả mọi
người đều leo theo một sườn núi, dù ngọn núi này hình nón, tôi cũng chẳng
hiểu tại sao nữa. Có lẽ chỉ là do tính khuôn mẫu của người Nhật và tôi cũng
leo theo mọi người vì muốn thành người Nhật. Ngoài anh chàng người Mỹ
và tôi, tôi chẳng thấy bất cứ người nước ngoài nào khác. Thật cảm động khi
ngắm các cụ già leo lên đến đỉnh, tay chống gậy, rất trang nghiêm nhưng
cũng vô cùng kinh ngạc về kỳ tích của mình.
Một cụ già tám mươi tuổi lên đến đỉnh lúc khoảng sáu giờ chiều, reo lên:
- Giờ thì tôi xứng đáng là người Nhật rồi!
Vậy đấy, trải qua chiến tranh chưa đủ để được phong tước hiệp sĩ. Chỉ có
trèo lên 3776 mét mới xứng đáng với danh hiệu đó.
Ở một đất nước khác nơi dân chúng bớt trung thực hơn thì hẳn có khối
người giả vờ đã từng leo núi, đến mức phải lập hẳn bên miệng núi lửa một
quầy phát chứng chỉ cho những ai leo thật. Nếu thế thì tốt cho tôi quá. Tiếc
là tôi chỉ có mỗi lời nói của bản thân để khẳng định công trạng; mà chắc
chắn là lời nói của tôi chẳng có giá trị gì rồi.