***
Tháng Chín hiến tôi cho lũ muỗi. Chắc hẳn chúng thích máu tôi nên cứ đổ
xô vào đốt tôi. Rinri nhận ra hiện tượng đó và cam đoan rằng tôi là cách tốt
nhất để chống lại thảm họa này của Ai Cập: có tôi bên cạnh cũng giống như
có một cây cột thu lôi ở bên vậy.
Tôi đã thử đủ cách: xịt thuốc nước có mùi sả, bôi thứ thuốc dính ghê rợn lên
người nhưng vô ích, lũ muỗi vẫn cứ vây quanh tôi. Tôi nhớ đến những buổi
tối điên rồ khi ngoài việc phải chịu đựng không khí ngột ngạt, tôi còn phải
chịu vô số vết đốt nhức nhối. Rượu long não cũng chẳng giúp ích cho tôi
được mấy. Tôi rất nhanh chóng phát hiện ra chiến thuật duy nhất: chấp nhận
thôi. Chịu bị ngứa và nhất là không được gãi.
Cố chịu đựng điều không thể chịu đựng, dần dà tôi cảm thấy dễ chịu hơn:
những vết ngứa ngáy một khi đã được chấp nhận cuối cùng làm tâm hồn
lâng lâng và tiêm nhiễm niềm hạnh phúc hào hùng.
Ở Nhật, người ta thường đốt hương katorisenko để đuổi muỗi: tôi chẳng
biết thứ hương vòng màu xanh ấy được làm bằng gì mà khi đốt lên chúng
xua đuổi lũ côn trùng. Tôi cũng đốt hương muỗi, nhưng chỉ là để ngắm vẻ
đẹp của thứ hương kỳ quặc đó, vì tôi hấp dẫn lũ muỗi đến mức chúng chẳng
sợ hương mà rời bỏ tôi. Tôi tiếp nhận thứ tình yêu vô bờ của loài ký sinh vo
ve này với sẫn nhục mà khi cơn khổ ải qua đi sẽ biến thành ân sủng. Dòng
máu kích thích trong tôi cảm giác vui thích: khoái lạc nằm ở tận cùng
những vết nhói lên.
Nhờ có trải nghiệm này, tôi hiểu được những ngôi đền muỗi ở Ấn Độ mà tôi
từng thấy cách đó mười năm: trên các vách đền có cửa kéo nơi tín đồ giơ
lưng ra nhận hàng nghìn vết cắn một lúc. Tôi luôn tự hỏi sao lũ muỗi có thể
thỏa sức chè chén trong khung cảnh hỗn tạp như thế, và làm sao người ta có
thể yêu quý những vị thần có cánh ấy đến mức tự đưa thân xác ra làm mồi