xuống. Bà vợ đọc bằng một giọng du dương như đàn bà con gái hồi
1924 đọc văn "Khóc chồng":
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh đổi lại tên ra Trạc Tuyền.
Người chồng gật đầu ra vẻ một nhà thông thái đương tìm một
cái "ê-qua-xông" (équation), nhưng không nói gì. Bà vợ, quấn quyển
Kiều lại cầm tay, đọc khẽ lại câu văn ban nãy:
– Áo xanh... áo xanh... à, thôi tôi hiểu rồi. Ngày mai, double
évent có bảy ngựa chạy trong số đó có Promesse mà tên cưỡi nó lại
bận áo xanh. Còn "cà sa lại đổi tên ra Trạc Tuyền... Cà sa lại đổi"...
Bà vợ tán:
– Cà sa có lẽ là màu nâu. Dô-kề cưỡi con Brin d’amour vẫn mặc
áo màu nâu. Thế thì, chắc đánh con Promesse "suya" (sur) con
Brin d’amour tất được.
– Tán Kiều ra thế thì xoàng quá. Theo tôi, cà sa là chỉ một vị tu
hành. Vị tu hành thì đầu trọc. Vậy ta tìm một tên dô-kề nào đầu
trọc mà đánh, tất thế nào cũng phải ăn.
– Biết kiếm ra thế nào được anh đầu trọc? Dô-kề hết thảy
đều húi rẽ hay chải phi-lu-dốp.
– Cũng phải... Cà sa... Cà sa. À! phải! Tôi nghĩ ra rồi. – Ông Th.
vỗ vào đùi kêu đét. Một tia chớp loé ra. – Cà sa, mợ ơi! Thôi đích là
cái chuồng Casa... nova rồi. Tôi phải đánh con ngựa ở chuồng ấy
là con Passion mấy được.
Tán rộng, đã gọi là tán rộng, thì thế nào mà lại không nghĩa lý?
Tôi không phải là một nhà viết báo chuyên bàn việc thế giới. Nên