lượn quanh quẩn ở trong vó mà thôi, tôi bèn nắm can đảm vào hai
tay nhảy lại phía nó và hết sức bắt nó, lôi nó lại.
Thưa ông, ông trông tôi đây. Tuy tôi đã già rồi, nhưng chắc ông
không thể bảo tôi là một người yếu được. Ấy thế mà lúc tôi lôi kéo
con ma cà-rồng lại thì tôi tự nhiên thấy tay chân tôi rủn cả ra, con
ma cà-rồng kéo tôi chung quanh sân và tôi tưởng nó còn kéo tôi mãi.
May, sau tôi định trí lại được, hết sức bình sinh kéo nó lại, vả lại có
một tên lính phụ giúp nữa nên con ma cà-rồng không động đậy
được, đành phải đứng yên và tỏ vẻ tức giận thèm thuồng lắm lắm
vì nó ngửi thấy mùi phân, – tôi đã để sẵn một đống phân ở giữa
vườn để nhử nó, – mà không được đỗ xuống ăn. Lúc đó, nó mới
lồng lộn lên và dáng chừng nó thấy vướng ở mình nó, nó mới nói, –
vâng, bằng tiếng người, nói rất nhỏ, – nói một câu mà tôi không
hiểu ý nghĩa ra sao hết. "Mày đi ăn, tao cũng đi ăn. Món này của tao,
tao tìm thấy trước, cớ sao mày lại tranh cướp của tao như vậy?" Mãi
đến sau này tôi mới vỡ nghĩa câu nói đó: thì ra con ma cà-rồng của
tôi nó không biết là nó đã bị bắt. Trái lại, nó vẫn tưởng nó đi ăn
đêm như thường lệ, và cái bàn tay bắt nó, nó cho là có một bạn
đồng sự với nó trêu nó, cướp mồi của nó.
Tôi lại nói lại cái lúc tôi bắt được ma cà-rồng trong tay. Lập tức,
tôi cho thắp đèn đuốc sáng sực lên khắp cả vườn, bao nhiêu người
vây cả lại chung quanh nó và đến tận lúc đó con ma cà-rồng vẫn
chưa tỉnh hẳn. Đến tận mười lăm phút sau, nó mới chịu định thần,
nó hình như đã biết rõ hết cảnh ngộ của nó, nên bắt đầu lên
tiếng lạy van rầm rĩ.
Bây giờ tôi hãy còn nhớ nét mặt và giọng nói của con ma cà-rồng
lúc bấy giờ: tóc nó xoã, mồm nó sùi bọt, mắt nó đỏ ngầu, nó có vẻ
ghê rợn như những con tà mà ta vẫn thấy nhan nhản ở trong những
ngày hội Phủ Giầy hay Kiếp Bạc.