hết, chặt cả chân tay của người đàn bà khốn nạn, nhưng điều cần
yếu là giữ cho Thích Cơ không chết. Thích Cơ không chết thực.
Nàng cứ sống lây lứt như thế, cho đến một ngày kia, Lã Hậu
truyền cho quân lính vứt nàng vào trong chuồng lợn và cho sống
chung với lợn. Từ đó, Lã Hậu bèn đặt cái tên "nhân trệ" để gọi Thích
Cơ, ý nói là người lợn. Ghen tuông mà hành hạ kẻ tình địch của mình
đến thế, tưởng đã đến chỗ cùng cực của sự nham hiểm gian ác trên
đời vậy.
Thời giờ qua đi. Cuộc đời mỗi thời đại một khác nhau nhưng tâm
tính người ta thì vẫn nguyên như thế, gần như không thay đổi gì.
Bao giờ cũng thế, nếu ở đời còn những người chất phác thực
thà thì cũng còn những kẻ mưu cơ gian giảo, cũng như nếu còn có
đàn ông thì trời vẫn để cho có đàn bà để giúp đỡ đàn ông mà cũng để
ghen tuông và làm cho họ sợ... như sợ sư tử vậy.
Tôi đã từng được các bậc đàn anh đã từng trải đời nhiều kể lại cho
nghe nhiều chuyện tỏ rằng có lắm người đàn ông làm những
chuyện rất phi thường, coi những sự thử thách của đời đều là trò trẻ
cả, vậy mà cho đứng trước một người đàn bà thì "mờ" cả người đi. Tôi
không muốn nói đến chuyện sắc đẹp đâu, tôi không muốn nói
rằng "nhan sắc của đàn bà khuynh thành, khuynh quốc" đâu, mà
đừng ai vội vểnh râu lên ngâm câu này: Cho hay mặt sắt cũng ngây
vì tình!
Các bạn cứ để ý mà xem, lắm khi người đàn bà không cần phải
đẹp lắm, tình lắm mà đàn ông cũng cứ sợ như thường. Thứ nhất,
nhiều người đàn bà lại xấu nữa, mà ác hại thay, người đàn ông
không có tình yêu thương gì hết, vậy mà một cái lườm, một tiếng
quát, – lắm khi, trời ơi, lại chỉ cần một cái cười nửa miệng – cũng
đủ làm cho anh đàn ông hết vía, run bần bật lên như cầy sấy,