Vàng thì Mỹ ký, đá thì tổ ong...
Đôi ta hẹn núi thề sông,
Núi trong bể cạn, sông trong bàn cờ.
Cái tính vụng trộm ấy thực là tình bỏ bu con chuột bạch, không
kém gì cái tình não nuột của những ông văn sĩ trong Tê E lờ văn
đoàn,
cực tả những cô gái ho lao mê những anh loạn óc.
Không cần phải điều tra phỏng vấn lôi thôi làm gì, người ta
cũng biết rằng những lúc anh trốn con hùm đi chơi với chị ả được
độ mười lăm phút nửa giờ thì anh ta sướng rơn lên: anh quên trời,
quên cả người, vì vậy, một ngày xấu trời kia, một vài người trông
thấy anh chị bày trò trên bộc trong dâu, nghĩa là... dắt tay nhau đi
"chơi tễu" ở hồ Bảy Mẫu, họ liền về báo cho con hùm biết ngay.
Con hùm ấy, chẳng may lại sống lâu quá, thành tinh ra mất rồi,
nên nó lặng yên, chẳng nói với anh chàng nọ một câu gì hết.
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu.
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên.
Cái đoạn văn ấy trong Kiều, cụ Nguyễn Du chủ ý tả cái ghen của
Hoạn Thư, mà người đọc, cố nhiên là phải hiểu theo nghĩa bóng.
Chẳng hiểu vì ít học hay vì tính con hùm cái nọ hùng hổ không
thích cái gì bóng bẩy lờ mờ, ả ta bèn gật đầu đắc chí và quyết làm
theo lời của cụ Nguyễn Du đã dạy (Chao ôi! cụ Nguyễn Du nào có
biết đâu rằng văn chương của cụ lại tai hại cho hậu thế như thế
được!)