bèn nghĩ ra ngay vợ chồng ông hàng xóm. Bèn nâng tấm liếp lên,
thò cổ sang và giơ một cái đóm ra: Ông ơi, cho xin cái lửa! Một ngọn
đèn leo lét cháy ở trong gian nhà âm u tối. Một vệt sáng loé ra. Ông
quản B. thét lên một tiếng rồi lặng đi một lát. Như thể một người
nghỉ lại để "lấy gân", một phút đồng hồ sau, gân cốt mới lại cứng
như cũ, ông hét lên một tiếng nữa rồi trố mắt ra nhìn thực kỹ
xem mình có nhìn lầm hay chăng. Thì không sai, trước mắt ông,
như thể muốn thực hành câu thơ của Nguyễn Du: "Làm cho trông
thấy nhỡn tiền". Câu thơ nối với câu: Làm cho đày đoạ cất đầu
chẳng lên, một "người" đàn bà, vâng chính là một người đàn bà, – mà
người đàn bà ấy là vợ Nguyễn Văn Tô, – đương hạ một con dao
xuống cổ anh chồng đương ngon giấc!
Nghe thấy tiếng kêu của ông hàng xóm, mụ Bùi Thị K. bủn rủn
tay chân đánh rớt con dao xuống giường. Vừa lúc ấy mọi người đổ
lại, người chồng suýt thì là một cái xác không đầu cũng thức giấc,
người ta khêu to bấc ngọn đèn để cho gian nhà sáng sủa thì ồ lạ!
một đống tro to bằng một cái mẹt thấy lù lù ở giữa giường, ngay
bên cạnh cái gối tre của Nguyễn Văn Tô... nằm gối đầu để ngủ.
Tại sao lại có đống tro ấy? Một loạt dấu hỏi lại cuồn cuộn nổi lên
ở
trong óc khắp mọi người; người ta không hiểu ra sao cả, định tìm
mụ Bùi Thị K. để hỏi thì mụ đã "cao chạy xa bay" từ bao giờ rồi.
Tôi không nhớ rõ pháp luật về sau có vớ được mụ đàn bà nanh ác
có một kia không, nhưng cứ theo như sự hiểu biết của những người ở
chung quanh đó thì cái đống tro kia không có gì là bí mật cả. Bùi Thị
K. muốn nhờ lưỡi dao để mời ông chồng "sà lù" của mụ sang bên
kia thế giới. Thế thôi. Nhưng, như trên kia đã nói, mụ là một con
hùm cái thành tinh, mụ tinh ranh lắm. Sợ rằng cắt cổ chồng thì
sẽ có máu vấy ra giường thành dấu vết thì sau này phải tội với
pháp luật chăng, mụ khôn khéo – nhưng mà cũng thiển cận thay! –
mụ khôn khéo nghĩ ra một kế là để một đống tro ngay dưới gáy