gần lại cái cột đèn và dẻo như kẹo kéo... "kẹo kéo ê!" bà trèo thoăn
thoắt lên cột đèn.
Bà điên? Bà ghen đến nỗi phát điên lên? Hay bà định tâm tự tử,
trèo lên cột đèn để nắm lấy dây điện cho điện giật chết phứt đi cho
rồi đời? Không, không, không. Bà phán T. đời nào lại chịu thế. Bà
đánh một cái đòn ghen mốt mới đấy, bà tấn công theo một cái
chiến thuật mới mà ta chỉ thấy ở trong cuộc Âu chiến mới. Bây giờ,
tôi xin phép ví von một chút chơi. Cái nhà hát mà bà phán T. "xét
rằng" chồng bà hát ở đấy, "thực có" như một cái hải đảo như Anh
quốc vậy. Mà bà phán T. là một nước muốn cất quân xâm lấn.
Nếu đánh bằng tàu ngầm, tàu chiến hay là đóng bè vào xâm
lấn một cách đường hoàng thì khó mà vào lọt được, bởi vì ở cửa,
quân lính của hải đảo đã phòng thủ chắc chắn rồi. Chưa tới, họ đã
bắn ra liền, chết người hại của vô ích mà công việc tấn công kết
cục một cách đau đớn, hại đến thanh danh người đổ bộ là khác nữa.
Vì vậy, phải nghĩ một cách khác mà cách khác đó còn gì hay hơn là
làm cái lối bất thình lình nhảy dù xuống như cái lối một vạn hai
nghìn quân Đức nhảy xuống đảo Crète vài hôm nay?
Cái việc leo cột đèn của bà phán T. chính là rập theo cái kiểu quân
nhảy dù Đức vậy. Bà không tiến vào cửa chính nhưng theo "đường
trời" mà đổ bộ xuống tự trên cao, bà leo cột đèn và, may cái nhà hát
vừa nói trên kia lại ở sát ngay cột đèn ấy, bà bèn chuyền cột đèn và
leo sang ban công nhà bên cạnh rồi từ ban công nhà bên cạnh, bà
bèn xông sang ban công chính nhà chồng bà hát. Bà nằm phủ phục
xuống ở cửa gác trông ra đường chờ một cơ hội thuận tiện, "bắt
được tay day được trán" thì xông vào và giết cho chết quân bạc tình
kia đi. Chúng ta, chúng ta từ thuở trời cho lớn khôn lên đến nay,
chúng ta thể nào chẳng ít ra cũng vào nhà hát cô đầu một lần rồi.