Người ta chờ... chờ một cử chỉ rất "nhân đạo" của bà thì, ôi, chưng
hửng! Người nào người nấy đều tẽn bởi vì đã đoán lầm hết thảy.
Bà Cửu lấy cánh cửa không phải để cho ông víu lấy mà lên đâu,
nhưng để... nhưng để bắc ngang từ thành bể này sang thành bể kia
để ngồi nhìn ông bì bõm dưới nước, một đêm trời lạnh như cắt da
cắt thịt. Và bà Cửu không quên lấy một cái đòn gánh khuấy nước
ầm cả lên.
Các ngài đã bao giờ thấy một con chuột rơi xuống nước chưa?
Ông Cửu của chúng ta y như thế. Áo bông, quần trắng, giày Gia
Định mà bì bõm ở dưới nước đã trào lộng lắm rồi, thế mà ông lại
còn có râu nữa, mà lại râu quặp nữa, thêm vào một cái miệng răng
đen không ngớt lời lạy lục, tiếng kêu than: một cảnh tượng như thế
thực là thế giới hy hữu, một tấn bi hài kịch có tinh thần nhất thế
giới chưa có ai nghĩ nổi.
Tài một cái là bà Cửu không cười: cứ mỗi khi ông Cửu nhô lên khỏi
mặt nước thì bà lại lấy đòn gánh dìm ông xuống. Trận "thuỷ
chiến" ấy biết lấy gì mà so sánh được? Có thể ví với cuộc đánh
nhau dữ dội của chiếc thiết giáp hạm Bismark của Đức và chiếc
chiến đấu hạm Hood của Anh không? Cái đó không biết thế nào,
chỉ biết rằng cái lối đánh của bà Cửu ta lạ lắm: Bà lấy đòn gánh
dìm đầu chồng xuống nước chưa đủ, thỉnh thoảng lại tìm xương
sườn mà nện vào – chắc cái lối phóng ngư lôi ở ngoài biển cũng
thần tình và... và ngoạn mục đến thế là cùng vậy.
Trời sáng hẳn. Nghe thấy câu chuyện lý thú có một không hai đó,
cả phố kéo lại xem: ai cũng được một bữa cười nôn ruột, nhưng sợ cái
trò cười ấy kéo dài ra mãi khéo đến án mạng, người ta phải hùa
nhau giữ tay bà Cửu lại và "bế" bà đi chỗ khác mới cứu được con
chuột lên, bởi vì ông Cửu lúc ấy ướt lướt thướt như con chuột lột.