điệu "giò này giò nóng, ai muốn mua thì xin cứ ứ ứ ứ!" để xin "vởi
mẩu hẩu" (sic) cho Bàng Quý Phi thoát tội tam ban triều điển... Thực
là trào phúng, thực là mỉa mai cho nghề hát!
Kẻ viết bài này ở mấy năm đất Sài Gòn là một đất rất đẹp,
rất dung người, xin thú thực lại càng ngấy vô cùng với điệu hát cải
lương nói trên kia. Chúng tôi nhớ lại những ngày cũ, đêm đêm trốn
nhà đi xem tuồng, về khuya không gọi được cửa phải "máy" với
những người nhà đày tớ buộc một cái dây thòng lọng vào cổ chân
chúng để đêm đêm đi xem hát về giật cho chúng tỉnh dậy và mở cửa.
Những buổi hát tuồng ngày ấy không biết có cái gì quyến rũ mà
đến tận ngày sau kẻ thư sinh này vẫn chưa quên. Chúng tôi tưởng
như tuồng cổ của ta nó có một linh hồn, nó có thời kỳ oanh liệt như
vị anh hùng vậy. Hồi cực thịnh, nó biết hưởng; mà đến hồi suy
tàn, nó biết buồn. Ai ai cũng đi tìm cái lạ, ai ai cũng xa lãng hầu
như muốn bỏ quên những cái gì đã gây ra cái tinh thần văn hoá
Việt Nam. Cho đến một đêm kia...
Lúc ngồi viết bài này ở dưới bóng đèn u uất, chúng tôi xin
thành thực nói rằng lòng chúng tôi bồi hồi một cách lạ, chúng tôi
tưởng như vừa sống cái đêm ấy hôm qua hay hôm kia gì đó, tuy cái
đêm đó đã cách đây mười một năm nay rồi.
Hồi ấy vừa ở ghế nhà trường đứng dậy, cái tiếng gọi của phiêu
lưu lúc nào cũng thúc giục bên tai chúng tôi, một thân một mình với
cái va li, đi dọc một dải Hoành Sơn đến thăm quê hương dân Hời. Sự
thực, từ bé đến năm hai mươi tuổi, chúng tôi chưa biết tận mặt dân
Hời là gì cả. Sự đọc sách chỉ cho chúng tôi biết đó là một dân vong
quốc, chúng tôi bèn đem họ ví với dân Do Thái và ao ước một ngày
kia được biết cách sinh sống trong cuộc đời của họ. Đêm đó, xe ô-tô
đưa chúng tôi đi từ Nha Trang vào Quảng Ngãi bị liệt máy giữa
đường. Chúng tôi và bốn năm hành khách ngủ giữa trời hai ngày một
đêm. Đói, vào nhà Hời mua gạo đỏ; khát, ra uống nước suối và đi