dẫm người ta lấy tiền. Dù thực dù giả, những việc như thế ta cũng
nên biết, không phải đến ngày nay mới thấy. Nước ta từ xưa có
bệnh phong bệnh hủi hầu hết ở khắp nơi, nhất là mấy tỉnh ở
theo dọc sông Hồng Hà: Nam Định, Phủ Lý, Thái Bình, Hải Dương...
Dưới thời vua Minh Mạng, những người hủi mỗi ngày mỗi lắm. Nhà
vua bèn ban chỉ dụ rằng những người hủi phải ở biệt lập riêng một,
nơi không được giao thiệp với những người vô bệnh. Khi nào những
người bệnh ấy chết thì phải chôn thực sâu, còn đồ đạc quần áo thì
cần phải đem thiêu huỷ. Kịp đến thời kỳ Bảo hộ, chính phủ mới lập
riêng Trại Hủi (tục gọi là trại Gốc Sấu) ở Mui Tía thuộc hạt Thanh
Trì tỉnh Hà Đông. Trại hủi này nuôi nấng và điều trị những người
đáng thương mắc cái chứng bệnh quái ác kia. Trại ấy dù sao cũng
vẫn không thể chứa hết được những người bị bệnh hủi, thành ra sau
chính phủ phải lập thêm bốn trại nữa: trại Văn Môn (Thái Bình), trại
Quả Cảm (Bắc Ninh), trại Liêu Xá (Hải Dương) và trại Hương Phong
(Hưng Hoá). Cách tổ chức ở những trại này ngăn nắp lắm, nhiều
bạn đồng nghiệp chúng tôi đã viết thành những thiên phóng sự kỹ
càng đầy đủ, tưởng không cần phải thuật lại một lần nữa ra đây
làm gì. Duy có một điểm ta cần phải biết là bệnh hủi do tại làm sao
mà có?
Sách thuốc Tàu gọi bệnh hủi là "lệ phong", là "lại phong" hoặc
"đại ma phong" và cho là sinh ra vì một thứ trùng xanh, đỏ, vàng,
đen. Mỗi trùng mỗi màu ở mỗi tạng: có khi nó ở can thì làm cho lông
mi rơi rụng, nếu nó ở tâm thì thịt da loét lở, nếu nó ở phế thì gãy
xương mũi, trĩ mũi, v.v... Đó là theo lối xét bệnh của người Tàu. Bệnh
hủi, theo con mắt nhà khoa học phương Tây thì cũng do một giống
trùng, nhưng không phải ngũ sắc. Đó chỉ là một giống trùng sắc
nhạt, do nhà bác học Hansen tìm thấy năm 1871 nên chi vi trùng hủi
bây giờ gọi là bactérie de Hansen. Cũng như vi trùng lao, vi trùng hủi
thon thon, hai đầu tròn sinh sản rất mau và ở nhiều nhất ở trong
các cơ thể của người ta, nhất là trong nước mũi, cho nên muốn thử