miếng gì mà hay thế, hay hơn cái miếng "kim kê sao nguyệt
hoãn" ở trong truyện kiếm hiệp và võ hiệp vẫn đăng trên các báo
hàng tuần và hàng ngày nữa.
Thứ sáu
Nói đến chuyện võ hiệp và kiếm hiệp tung phép lên trời và thả
ra những cái hồ lô biết bay, ta không thể quên nói đến tàu bay
Nhật ở quân đội Quảng Đông hôm 23 đây, bay lượn ở trên đất Bắc
Kỳ. Các máy bay ấy không định bay đến địa phận Hà Nội. Còi báo
động kéo lên hai bận gần như liên tiếp nhau. Bận thứ nhất từ 12
giờ 15 đến 12 giờ 47 phút; bận thứ hai từ 12 giờ 55 đến 2 giờ kém 15
mới lại có còi báo hết. Thành phố Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, Hà
Đông, Bắc Ninh đều có báo động và nhốn nháo cả lên. Mọi nhà
đều đóng cửa. Nhưng có một điều rất đáng phàn nàn là ở Hà Nội
và các tỉnh khác một số đông đàn bà con trẻ và cả đàn ông nữa,
không biết trọng trật tự, cứ đứng nghễu nghện ra giữa đường mà cười
nói om sòm, có ông lại nghếch mũi lên trời để xem "Dựt-pổn phi ký"
là khác nữa. Họ không sợ? Họ không sợ mất mũi của họ, cái đó đã
đành rồi, nhưng họ có biết đâu rằng họ làm như thế tức là làm
hại cả đến sự trật tự chung.
Nói tóm lại, bao nhiêu việc đáng tiếc đó sở dĩ xảy ra chẳng qua là
vì những người ấy không biết gì cả; họ không biết bom đạn tai hại
như thế nào. Và cũng bởi họ điếc. Điếc không sợ súng!
Thứ bảy
Sáu giờ sáng hôm 24.9.1940, lại có còi báo động, từ 6 giờ kém 5
đến 8 giờ rưỡi hết. Và luôn hai hôm 25 và 26.9.1940 cũng lại có còi
báo động nữa. Sở dĩ có còi báo động luôn như thế là vì có phi cơ
Nhật Bản bay lượn ở trên thành phố Hải Phòng và đến gần Hà
Nội.