Con đường đầy ánh sáng
(chúng tôi kết luận)
Chúng tôi còn nhớ lúc mới độ mười chín, hai mươi tuổi, vừa từ giã
trường trung học để đi học nghề "làm tân văn ký giả", một ông bạn
già có vứt vào mũi chúng tôi một cuốn sách dạy nghề làm báo của
một tay viết báo cừ khôi người Pháp. Một cuốn sách nhỏ thôi, trên
dưới một trăm trang giấy, nhưng chúng tôi đã đọc say sưa xiết bao
mà cũng thấm thía xiết bao. Cuốn sách ấy dạy người ta làm báo
trong hai mươi bài học. Tác giả Robert Jouvenel, đã dùng một lối
văn hoạt kê châm chọc để phê bình một kỹ nghệ tôn nghiêm. Ông
thực là một người làm báo có tài có khoé. Cái tài vốn đã là cần
nhưng cái khoé làm báo có khi lại cần hơn, bởi vậy cho nên đọc hết
trăm trang giấy rồi đến khi gấp sách lại chúng ta không thể chê
được một điều gì cả. Bởi vì tác giả không có một lúc nào hớ hênh hay
tự phụ. Chính ông, ông muốn đem tất cả cái hay, cái đẹp cùng sự
cao cả của nghề báo ra ca tụng với quốc dân, nhưng sợ rằng trong
khi đó bụng mình quá thiên chăng, gần hết quyển sách ông đem
nghề mình ra giễu cợt trước, không đợi cho người đời chế bác. Giễu
cợt nghề mình mà lúc nào cũng tỏ được cho độc giả thấy nghề
mình là cao quý tôn nghiêm, việc ấy thiết tưởng không phải là ở
tầm tay bất cứ người nào vậy.
Đó, nghề làm báo, chỉ kể về phương diện rất nhỏ nhặt ấy thôi,
cũng đã khó như thế đó. Huống chi lại còn bao nhiêu việc khác nữa
rối như canh hẹ, người không có khối óc sáng suốt không thể nào
làm được. Người làm báo vì vậy cần phải biết rõ tâm lý người đời
như biết rõ những chỉ tay của mình. Biết người ta ưa gì, biết người
ta ghét gì, biết người ta tin tưởng gì...