Ông Robert de Jouvenel quả đã bắt đúng mạch dư luận vậy. Ông
biết rằng những cái tục cũ lúc nào cũng ăn sâu vào trí óc của quốc
dân, quốc dân Pháp cũng như quốc dân Nam tin rằng: "Phàm
người nào làm việc gì, làm nghề gì tất phải nói xấu nghề mình
trước và khuyên người khác chớ nên theo".
Làm như thế, người làm nghề có ý muốn tỏ ra rằng nghề của
mình làm là nghề ăn cay ngậm đắng, lời lãi không bao lại ốm thân
nhọc xác, thà đi làm nghề khác còn hơn. Nhân đó, người ta lại còn
bỏ nhỏ vào tai những kẻ đứng bên ngoài rằng: "Đấy các ông cứ ao
ướ
c mãi, thèm khát mãi. Bây giờ đã biết rồi nhé. Thôi, đi đi, đừng
có vào tranh giành với chúng tôi".
Chúng tôi không có quyền hành gì cả, nhưng giá hôm nay là ngày
"cá tháng tư" (poisson d’avril) chúng tôi cũng xin phép bạn đọc nói
chơi một chút. Chúng tôi nói chơi rằng: "Anh thợ giày, anh đi đi,
đừng trông quá cái mũi giày của anh. Anh bán tranh! anh biết nghề
báo rồi nhé, thôi chỉ nên bôi lọ chứ đừng viết truyện! Còn anh, anh
rang "hàm sôi phá sa" để bán buôn, tôi chúc cho anh đừng bị ma quỷ
rủ anh vào rừng báo để cho báo nó vồ anh ăn thịt".
Nói thế rồi, chúng tôi xin thanh minh với các bạn đọc rằng:
Không, chúng tôi đã làm khác Jouvenel một chút. Như các bạn đọc đã
thấy, trong suốt một tập báo mà các bạn vừa coi, chúng tôi không
một chỗ nào dám nói đùa hay là nói xấu nghề. Đó không phải vì
chúng tôi không biết cái tục cũ của nước Pháp, nước Nam chúng ta
đâu, nhưng chính là bởi vì chúng tôi thấy nghề báo tôn nghiêm
quá. Phải, người ta nói xấu nghề gì kia chứ đến nghề báo thì
không thể được, người ta sợ kẻ khác vào tranh giành nghề gì kia, chứ
đến nghề báo thì không cần giữ. Nó là một cái nhà trống không
có cửa. Nhiều bạn thường phàn nàn về chỗ cửa ngõ không chắc
chắn đó và lo rằng đêm hôm kẻ gian phi sẽ nhón gót đi vào mà làm
việc đồi phong bại tục. Lo như thế là phải, nhưng có lẽ là lo xa quá!