hàng trăm ngàn chuyện như thế: vua cởi áo ra đắp cho người
nghèo, vua mở kho để bố thí cho dân. Đến tận bây giờ ở nhiều
nước quân chủ như nước Nhật chẳng hạn, vua vẫn có oai quyền như
thế: Thiên hoàng vẫn là đại biểu của trời để tiếp xúc với dân. Dân
muốn điều gì thì truyền đạt lên vua để vua chuyển đạt lên trời. Bởi
thế dân muốn là vua muốn, trời muốn là vua muốn.
Những nước như nước Đức ngày nay, tổng thống tức là vua. Trước
khi khai chiến, tổng thống Hitler đọc diễn văn có câu kết "Xin
Thượng đế phù hộ cho chúng tôi!" ta nên hiểu rằng đó là lời van
trời của tất cả dân Đức vậy. Lính Nhật lúc đánh Mã Lai lội qua sông
có cá sấu mà không sợ chết, ta nên hiểu rằng họ không phải vâng
theo mệnh lệnh của người nào cả nhưng là vâng theo mệnh lệnh trời,
do Thiên hoàng đứng làm đại biểu ban ra.
Ý nghĩa của tế giao là ở đó.
Vua tế trời không phải là tế cho mình đâu, nhưng là tế cho dân,
chuyển đạt lời của dân lên với trời. Trước mặt trời, vua tức là dân đó.
Trời theo ý của dân mà quyết định.
Vì lẽ đó Tây ngạn có câu: "Vox populi, Vox Dei" – Dân thanh tức là
thiên ý.
Xem vậy thì biết cái quyền của dân vô cùng, vua mà thương dân
là theo đúng lẽ trời, còn bỏ mặc dân tức là đã phụ cái quyền trời đã
trao cho vậy. Trên kia ta đã nói bất cứ người nào cũng phải sợ trời.
Ta nên nói rõ thêm: hơn hết cả mọi người, vua lại càng phải sợ trời
lắm lắm. Không sợ trời mà biết thương dân và được dân yêu, xét
trong lịch sử mấy ngàn năm, ta chưa thấy một vị vua nào như thế.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 104 (29.3.1942)