Mà Từ Hải, vì nghe lời của Kiều, vốn không phải là tri kỷ của
mình, cũng rất có thể bị gọi là "dại gái" như trong câu thơ trào
phúng: "Bốn bể anh hùng còn dại gái, Thập thành con đĩ mắc mưu
quan".
Nhưng đó là Từ Hải và Kiều trong "Ngu sơ tân chí".
Ở
Nguyễn Du, Từ Hải và Kiều khác hẳn.
Thật vậy, khác hẳn. Từ Hải, vào tay Nguyễn Du, đã từ một tên cướp
bể ươn hèn, phản trắc và để cho Hồ Tôn Hiến... xoa đầu, hoá ra
một vị anh hùng cái thế. Ở Ngu sơ tân chí, Hải là một tâm hồn
đáng thương. Nguyễn Du, như một đấng tạo hoá thứ hai, đã làm Hải
thành một đứa con tinh thần khả kính.
Có người bảo rằng Nguyễn Du tạo ra Hải như vậy, ý cốt để gỡ tội
cho nàng Kiều; có người bảo Từ Hải là một nhân vật lý tưởng của
Nguyễn Du nên Nguyễn Du o bế; có người lại bảo sở dĩ Nguyễn Du
làm cho Từ Hải anh hùng quắc thước như thế, chính bởi vì Nguyễn
Du đã thiếu những đức tính của Từ Hải vậy.
Lý nào phải? Lý nào trái? Chúng tôi sẽ không bàn về việc đó, bởi
vì chúng tôi đã nói ở chính trong báo này một lần rồi, – bao nhiêu
những lý thuyết kia chỉ là "đoán" mà thôi, mà đoán thì biết thế
nào là đúng? Không đúng, có thể có hại lắm, nhất là khi những lời
đoán ấy lại không có lợi cho người đã khuất.
Khoa học có một cái tự phụ là cái gì cũng biết. Sự thực khoa học
biết ít lắm, mà có khi lại biết lầm. Bởi vậy trong bài này, một bài
nói về văn trong một cuốn văn, ta chỉ nên đứng về phương diện
văn chương mà nói, không cần xét xem vì những động lực gì mà
Nguyễn Du đã tạo ra một nhân vật khác thường như Từ Hải.