tim sôi nổi. Đầu óc ông cũng như chân tay ông cần phải làm việc
luôn luôn. Ông mắc cái "bệnh hoạt động" ngay từ khi còn ít tuổi.
Hoạt động nhưng không nóng tính, trái lại, lại quả quyết, nhẫn nại,
thêm vào những tư tưởng ưa mới, cấp tiến, đó là những đặc điểm
của đời ông sau này.
Ông là một người trong những người Việt Nam thứ nhất được
hấp thụ văn minh mới và được tiêm nhiễm văn hoá Âu Tây. Ông
hấp thụ thế nào? Tiêm nhiễm ra sao? Những ông giáo nào đã vỡ
lòng cho ông và những ông thầy nào đã giúp ông mở mang trí khôn
một cách công hiệu nhất? Những điều đó, không có ai biết rõ. Chỉ
biết rằng năm 1892, mới mười tuổi, cái tuổi còn ngây thơ, Nguyễn
Văn Vĩnh đã thi tốt nghiệp trường Thông ngôn và đáng lẽ đậu thứ 12
nhưng vì tuổi trẻ quá, nên bị đánh hỏng và phải học thêm bốn năm
nữa nên mãi đến 1896, ta mới được thấy ông thi tốt nghiệp. Lần
này ông đỗ đầu và được bổ ngay làm thư ký toà sứ Lao Kay. Xem vậy,
đủ biết ông thông minh đến bực nào. Đã thế, ông lại là người
hiếu học đệ nhất. Bấy giờ chưa có thư viện, các sách tây còn
hiếm, mà ông đã mua đủ các sách báo của Pháp để xem; đọc báo,
xem sách suốt ngày, ai cũng phải chịu là một người hiếu học. Đến
tận bây giờ, những người quen thân với ông từ hồi trẻ, thường vẫn kể
lại rằng ông ham sách hơn ham đàn bà. Ông có mặt ở khắp các thư
viện Hà thành và có người đã nói "Bình dân thư viện" – ở vào chỗ
phố Francis Garnier bây giờ – không có người học trò nào chăm hơn
ông. Muốn đi chơi khuya đến mấy giờ sáng thì đi, nhưng cứ về
đến nhà, nằm lên giường, là ông phải đọc một cuốn sách gì, nếu
không thế thì không ngủ được. Đọc như thế không bao giờ chán,
đọc bất cứ cái gì rơi xuống tay. Cái học như thế cốt lấy ở bề
rộng như lời ông thường nói. Sau này ta sẽ thấy cái học đó có ích như
thế nào cho cái đời làm báo của ông, và ta có thể suy ra tự bấy giờ
Nguyễn Văn Vĩnh, lúc bắt đầu xếp dọn cuộc đời mình, không hề
có ý muốn làm một người thợ văn gọt chữ hay đọc sách thấy tư