hoặc một phương pháp giải quyết cảnh ngộ, hoặc cách diễn dịch một
câu văn khó hiểu, hoặc một chữ Nam dùng để giải cho thật đúng một
chữ trong văn Pháp. Trong những bức thư đó, trong những buổi dạy
học đó, trong những cuộc tranh luận đó, Nguyễn Văn Vĩnh không làm
vẻ hùng hồn. Ông nói dễ dàng và tìm những chữ thông thường để
diễn tả một cách khoa học những điều rất khó nói. Lời ông không
chậm mà cũng chả mau, vừa vừa, nhưng khi nào đến đoạn chính của
vấn đề thì giọng nói cũng như lời văn của ông sôi nổi, đầm ấm và
mau hơn một chút.
Ai đã biết ông tất còn nhớ cái giọng nói sang sảng ầm ầm, rõ
ràng từng chữ. Ông đọc một câu thơ hay kể một chuyện cổ tích cũng
rành rọt như khi ông bàn về một chuyện trong gia đình vậy. Giọng
ông vui mà hơi có vẻ nhạo đời. Thỉnh thoảng lại sâu cay, làm cho
người nghe, nếu có quên cũng còn phải là lâu lắm. Nhất là ở
những nơi công cộng thì ông nói lại càng tài lắm. Lời văn ông dễ
dàng, ý tưởng ông biến hoá, nhưng không bao giờ tỏ ra rằng ông
sắp đặt trước hay học thuộc lòng sẵn từ nhà. Những chữ, những câu
của ông hình như nở ra một cách tự nhiên từ một ý tưởng vững chắc,
có tin tưởng; nở ra một cách bất thình lình, không ai ngờ, làm cho
câu chuyện của ông càng có vẻ đậm đà thú vị.
Những đức tính đó, ông đem ra ứng dụng một cách bình dị hơn, dễ
dãi hơn, trong những cuộc giảng kinh ở các đền chùa, ở những buổi
nói chuyện của hội Đông Kinh Nghĩa Thục và những buổi diễn
thuyết của trường Trí Tri ở hội quán Đông Kinh ở Hàng Đào và
Hàng Bạc. Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhớ đến những bài
diễn thuyết đó, hùng hồn mà không thiếu vẻ thân mật, dồn dập
mà thiết tha, thật đã có ích cho cái đám đại chúng hăng hái yêu
nước, thiết tha yêu nước lúc đó vô cùng vậy. Hồi đó, nước ta chả
thiếu người thành thực, sốt sắng, không ngần ngại, mỗi khi có
một vấn đề gì hữu ích cho quốc dân, là đăng đàn diễn thuyết