ngay; nhưng đại đa số là các ông nhà nho không hiểu mấy về cái
thuật thuyết pháp, cái phép thôi miên đại chúng và tâm lý của thính
giả nên bao giờ Nguyễn Văn Vĩnh, một người mới nhất trong đoàn
đó, cũng được hoan nghênh hơn. Chúng tôi rất tiếc không thể thuật
lại nhiều những buổi diễn thuyết đó ở đây, chỉ xin nhắc một vài
vấn đề mà ông đã nói ở hội quán Trí Tri trong mấy năm 1904,
1905, 1906, 1907. Câu chuyện ông đem nói đi nói lại rất nhiều lần
là vấn đề ca dao tục ngữ ở thôn quê Việt Nam, – câu chuyện mà sau
này ông Phạm Quỳnh sẽ nhắc lại trên diễn đàn và đem in thành
sách. Ông rất chịu khó sưu tầm các phong dao tục ngữ, các câu hát
nhà quê, những câu hát gặt lúa, dặm vè, phường nón, phường vải, vân
vân, và tất cả những cái đó, ông gọi chung là "nền văn chương
truyền khẩu của Bắc Kỳ" (La littérature orale du Tonkin). Về sau
này, ta sẽ còn thấy ông viết nhiều về vấn đề này; ông đem dẫn
giải những câu hát nhà quê, – về điểm này ông cũng lại là một tên
lính tiên phong nữa, – ông giới thiệu ta trăm ngàn câu vè, câu ví mới
do một nguồn cảm xúc khác chảy ra (1914) và đã làm cho nhiều
thính giả ngạc nhiên thán phục cái hay êm đềm, dịu dàng có rất
nhiều thi vị của những câu hát miền Hà Đông là chỗ ông sinh
trưởng (xem "Trẻ con hát, trẻ con chơi"). Đó là việc sau. Năm 1905,
Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng nhất về hai bài diễn thuyết mà thời
đó, và ngay cả bây giờ nữa, nhiều người chịu nhận rằng ông khảo
cứu rất công phu. Đó là bài diễn thuyết về phong tục của các nước
trên doanh hoàn, những sự tín ngưỡng và cả cái trí óc thông minh của
con người ta nữa.
"Muốn khảo về vấn đề này, ta phải nhìn vào nền văn học,
cùng những truyện cổ tích, truyền kỳ và những câu hát bình dân
trước đã. Ta sẽ nhận thấy rằng cái trí khôn con người ta ở đời
giống nhau một cách tài tình. Các sự tích của người Hi-lạp nói về
Cronos nuốt con, ở Úc châu Phi châu và nhiều nơi khác cũng có.
Chuyện xuống Địa-ngục là một đoạn chuyện dũng mãnh mà nhiều