Xem vậy, Nguyễn Văn Vĩnh rất mới nhưng lại rất cũ; ông không
hề cổ động bỏ chữ Nho để hoàn toàn theo tây bao giờ. Nguyễn Văn
Vĩnh nhận rằng chữ Nho cần lắm, nhưng dạy ở trường Pháp
Việt thì vô ích, "đợi mai sau khi nào có cả khoa cao đẳng Nam học
hoặc khoa ngôn ngữ văn chương ở cao đẳng, bấy giờ lại có nơi khác
phải dùng đến chữ Nho".
Thật không có gì chiết trung và xác thực hơn cái ý tưởng đó.
Chứng cớ là chính mắt ta đã thấy sự thất bại của công việc thử đem
chữ Nho để dạy con trẻ ở các trường tiểu học: sách Hán học in nhiều,
các trẻ ra công mà tập đọc và tập viết mà kết cục chẳng ăn thua vào
đâu cả. Chữ Pháp và chữ Hán trộn lộn ở trong đầu chúng thành một
thứ sà-lát khó tiêu, ai cũng biết thế; nhưng ngay lúc bài diễn
thuyết đó ra đời, có lẽ nhiều người cũng chưa lấy làm tin lắm.
Chúng ta phải đợi đến hai mươi năm sau, mới thấy Nguyễn Văn
Vĩnh nói đúng như thế nào và đến bây giờ, nếu Nguyễn Văn Vĩnh
còn, tất ông phải lấy làm sung sướng được thấy cái mộng tưởng
của ông về chữ Nho đã thành trong muôn một. Theo nghị định quan
Toàn quyền Decoux ký ngày 5 Mai 1942, Đông Dương lập nền học
cổ điển Á Đông, dạy 6 năm, từ lớp sáu đến lớp nhất như các ban
Trung học Pháp, Chương trình có một khoa học đặc biệt là khoa chữ
Nho dạy trong 5 giờ một tuần lễ (l’enseignement de caractère
chinois) dạy chữ (langue) cùng kinh truyện, sử sách, văn minh cổ Việt
Nam và Trung Hoa.
IV. Xuất dương
Tuy vậy, muốn lấy tài học ra giúp ích cho xã hội, mà chỉ diễn
thuyết suông thôi, không đủ. Nguyễn Văn Vĩnh muốn hoạt động
một cách thiết thực hơn.