năm suốt tháng chỉ sống ở cao lâu nhà hát hoặc những anh đại
lãn suốt ngày đêm quanh quẩn ở trong sòng để tìm cách sinh nhai
về cờ bạc. Giữa đám đó, nhưng ở trong những chỗ tranh tối tranh
sáng bọn gái non đi lại nhởn nhơ, cái hạng gái mà tôi đã nói với anh
trong thư trước. Giữa đám đông trộn lộn hàng trăm màu sắc đó,
hàng ngàn thứ tiếng đó, người ta nghe thấy bọn trẻ bán báo rao
rầm trời "Le Matin", "Le Journal", "Marseille Républicaiaiaine",
"Le Radicaaal" "Gomne Russe" v.v... làm cho ta lại nhớ đến những
tiếng rao "ngầu nhục phản"... "Nem Saigon" và "mía muaaa" ở
nước ta.
27 Juin. Đêm qua, Đ. T. Kim
và tôi đi xem diễn kịch Le Cid
nhà hát lớn, đi xem không mất tiền, vì có ông Vierge mời.
Sướng quá, nhất là vì là tại lần đầu tôi được đi xem diễn một
tích hát cổ điển mà chúng ta chỉ mới được đọc thôi. Cách họ ngâm
thơ, làm cho người ta hiểu thêm cái hay của văn chương, cái cao
thượng của tình cảm thường thường người ta không được thấy rõ
lắm trong khi đọc sách.
Duy có một điều đáng tiếc là Đ. và T. hình như không hiểu
lắm nên dửng dưng coi thường. Nhưng ông Đ. dù không hiểu, cũng
còn làm ra cách muốn hiểu chứ đến ông T. nhà hoạ sĩ, thì dửng
dưng đối với những cái đẹp khó trông thấy đó: ông quan niệm cái
đẹp một cách khác chăng. Lão T. của chúng ta thấy tôi vỗ tay tán
thưởng thì lại cho là bố vờ là giả dối và ông nói to lên với tôi như
thế. Cảm tưởng: người mình bướng quá. Muốn làm cho họ nhận
thấy sự tiến bộ, thật là khó quá. Chúng ta không bao giờ chịu nhận
chúng ta thua kém các dân tộc khác. Vả lại, nhận tội lỗi của mình có
phải là một sự nhục nhã gì cho cam! Trong cõi đời này, ai lại chẳng
có tính xấu? Người nào mà đã trông thấy nhiều điều lầm lỗi
của mình, người ấy gần đi đến chỗ hoàn toàn. Hình như đức
Khổng đã dạy ta như thế.