đi lên. Sương bay lấp lóa, không nhìn rõ mặt khách. Hai người đó đến trước
Chu An cung kính chắp tay vái:
- Lạy thầy, cho anh em con theo tiễn.
Chợt nhận ra Phạm Sư Mạnh và Lê Quát, Chu An giận lắm. Ông
nghiêm giọng, nói:
- Hóa ra các anh vào hùa với quân đốn mạt vẫn giám sát ta mà ta không
hay biết. Liệu các anh có trói ta đem về triều không? Chu An giơ chiếc gậy
trúc gạt hai người ra rồi xăm xăm xuống bến.
Lê Quát, Phạm Sư Mạnh cùng hối hả chạy theo thầy. Phạm Sư Mạnh
níu thuyền lại, còn Lê Quát đỡ cho thầy bước xuống. Phạm Sư Mạnh nói:
- Bẩm thầy, ít bữa nay chúng con thấy thầy có vẻ buồn quá. Đã mấy lần
anh em con lảng vảng đánh tiếng, nhưng không thấy thầy gọi, nên không
dám vào kính yết. Chiều hôm qua, nhân có việc con phải ra bãi sông, thấy
chú Tồn đang cho thuyền cập bến. Con không dám hỏi, nhưng ngầm đoán
là thầy sắp đi xa. Con về, nói lại với anh Quát, hai anh em con bàn nhau cứ
chờ thầy ở đây.
Chu An thấy hai người học trò nói tình thực, trong lòng xem đã nguôi
nguôi. Ông cúi nhìn họ và nói:
- Thôi các anh về, thầy đi.
- Lạy thầy, đầy triều rắn rết, chúng con ở lại mà làm gì. Thầy cho chúng
con theo hầu.
- Không được! - Chu An nghiêm giọng.- Các anh còn trẻ lại là rường
cột, phải ở lại triều mà gánh vác việc nước. Thầy già, bất lực rồi, phải đi
thôi!
- Nhưng thưa thầy chúng con phải làm gì ạ?
- "Kiến cơ nhi tác!"( Cứ xem diễn biến thời cơ mà liệu cách hành động).
Chu An nói rồi phẩy tay cho tiểu đồng nhổ sào, ông đi thẳng vào trong
khoang.
Dõi trông cho tới khi con thuyền đã khuất hẳn, không gian chỉ còn là
một biển mây trắng mịt mùng, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh nhìn nhau vừa bùi
ngùi vừa ngơ ngác. Chợt Lê Quát hỏi Phạm Sư Mạnh:
- Tôn huynh có biết tại sao thầy bỏ Thăng Long mà đi không?