Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ qui hoàng quan.
Tạm dịch: Giữa ban ngày bay lên trời dễ,
Giúp vua để được như Nghiêu, Thuấn mới khó,
Sáu mươi năm trong cõi trần,
Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.
Đọc lại thấy như là một sự tự bạch. Đúng là cả đời, ông chỉ mong đem
hết tài trí ra phụng sự đất nước. Và sự thật ông đã làm tất cả những gì có thể
làm được. Song điều mà ông khao khát giúp vua hưng vận nước, tưởng như
là điều giản dị, hóa không phải thế. Nó còn khó hơn cả ức vạn lần bay lên
chín tầng trời, giữa thanh thiên bạch nhật. Càng nghĩ, càng thẹn với mấy
đạo sĩ khăn vàng, mà xưa kia ông thường chê họ đi theo con đường tâm linh
phù phiếm. Khẽ đưa tay ra nâng vuốt chòm râu, ông thấy không còn sợi nào
xanh nữa. Quan tư đồ thầm nhủ: "Đã vào tuổi sáu mươi, việc đời nên khép
lại. Ích gì nữa mà đeo đuổi". Và tiện nghiên, bút ông viết sớ cáo quan.
Không những Nghệ tông không hạ chiếu lưu nhiệm, mà ngài còn đến
tận thái ấp viếng thăm Trần Nguyên Đán.
Cách tới nửa dặm đường, Nghệ tông đã đọc được ba chữ: "THANH HƯ
ĐỘNG" của Duệ tông đề tặng, và cũng là đặt tên cho trang ấp của tư đồ, hồi
em ta về thăm. Nhìn nét chữ còn tươi rói, mà người viết đã đi vào cõi hư vô,
khiến Nghệ tông trạnh buồn. Nhà vua sai viên nội nhân đưa vuông lụa bạch,
để ngài thấm mấy giọt long tuyền vừa rịn ra bên khóe mắt. Không biết đây
là lần thứ mấy, ngài khóc người em thất lộc đã bỏ mình nơi chiến trận mãi
tận đất Champa.
Nghe có tiếng ngựa hí, lại tiếng người nói láo nháo ở phía đầu thái ấp,
đám gia nô đang làm nương chợt nhìn thấy xe kiệu, tàn lọng, hốt hoảng
chạy về bẩm với quan tư đồ: "Bẩm đức ông, hoàng thượng giá lâm!".
Trần Nguyên Đán vừa chụp được chiếc khăn lượt lên đầu, chiếc áo
thụng tía mới xỏ được một tay đã thấy nhà vua và đám tùy tùng vào đến đầu
sân. Nguyên Đán không kịp xỏ giầy, vội chạy ra sân quì xuống vái thượng
hoàng hai vái: