còn ai dám can gián ngài nữa. Đến bậc tể thần và là anh em gần gũi như
quan Tư đồ Trần Nguyên Đán lời nói còn chẳng lọt tai Thượng hoàng, tới
lúc hồi hưu còn phải gửi thư nhờ bạn bè can gián:
Kim cổ hưng vong chân khả giám
Chư công hà nhẫn gián thư hy
(Việc còn mất xưa nay xem đã rõ
Các ông sao nỡ ít thư can). Trần Đình Thâm buông tiếng thở dài ngao
ngán. Mọi
người nhìn ông với vẻ cổ súy. Ông tiếp:
- Thượng hoàng Trần Nghệ tông có đức lớn là không tin bất cứ ai trong
hoàng thân quốc thích, không tin bất cứ một người tài đức trung thực nào.
Ngay con đích của ngài, thái úy Trang định vương Ngạc là một người có trí
lự, kiến thức dồi dào, có đức cảm hóa lòng người, có tài qui tụ nhân tâm, có
thể đặt lên ngôi quân trưởng; chỉ vì không hợp với Quý Ly, y ra vào ton hót
gièm pha với thượng hoàng, nên ngài bỏ không dùng. Nhất là từ khi quan
Tư đồ Nguyên Đán hồi hưu, thì Thái úy tỏ ra thối chí. Ông tự bạch:
Ngã thị đương niên khí vật.
(Tôi nay vào hàng vứt đi rồi).
và ông đã nghĩ đến cái nhàn của Lão Trang.
Điền viên tảo biện qui lai.
(Ruộng vườn sớm liệu trở về thôi).
- Hỏng! Đất nước thế thì hỏng to rồi. Thượng hoàng thuần chọn những
người bất tài, hèn kém đặt lên ngôi quân trướng để làm đẹp lòng Quý Ly.
Và để y dễ bề thao túng bộ máy quốc gia.
- Chư huynh! - Lê Hiến Phủ chen lời Trần Đình Thâm. - Những điều
Trung thư thị lang là người trong hoàng tộc nói, tưởng như mỗi lời của ông
là mỗi giọt máu rỉ từ tim óc ông ra.
Nhưng cái khó của chúng ta là bảo vệ ai đây. Thượng hoàng không cần
chúng ta. Ngài vẫn điều hành đất nước, nói cho đúng là Quý Ly vẫn điều
hành đất nước thông qua ngài. Còn hoàng thượng ư? Hoàng thượng chỉ là
con bù nhìn để ký các chế, cáo và sắc dụ theo ý của Quý Ly.