muốn là một nhân vật gì, muốn được danh vang lừng lẫy. Thành
công và tiếng tăm, kể về mặt tâm lý, đúng là bản chất của tinh thần
so sánh, luôn luôn không ngớt dấy inh sợ hãi. Cái tâm thức so sánh
ấy phát động những cuộc xung đột và đấu tranh mà ta xem như rất
là khả kính. Ta dạy nhau rằng cần phải đấu tranh mới sống được ở
thế gian này, rồi ta đem tinh thần tranh đua vào mọi công việc làm
ăn, cả trong gia đình, cả trong lãnh vực gọi là tôn giáo. Ta mong lên
được Thiên đàng, mong được ngồi gần Đức Giêsu hay gần một vị
cứu rỗi nào khác mà ta tin tưởng. Tâm địa đó là tâm địa của ông cha
xứ muốn được làm tổng giám mục, làm hồng y, làm cả giáo hoàng.
Ta vun quén chuyên cần tâm địa ấy trong suốt đời ta. Ta tranh đấu
để trở nên tài giỏi hơn hay để thu hoạch một địa vị cho thật cao tột.
Cơ cấu xã hội và luân lý của ta căn cứ ở đó cả.
Thế là ta triền miên sống trong tâm địa so sánh, tranh đua và phấn
đấu ấy, cứ cố gắng trở thành một nhân vật gì – hay để đừng là gì
hết, tựu trung cũng cùng nghĩa thế ấy thôi. Đó là căn cội của mọi sợ
hãi, chính do đó dấy sinh đố kị, ganh ghét, oán thù. Sự thù ghét tất
nhiên loại trừ tình thương, sự thù ghét dấy sinh ra niềm sợ hãi tăng
trưởng liên tục.
Như tôi đã hỏi các ngài, các ngài hãy chỉ lắng nghe thôi. Các ngài
đừng tự hỏi: "Làm sao tôi dứt so sánh được? Tôi phải làm gì để dứt
so sánh?". Các ngài chẳng làm gì được hết. Nếu ngài làm gì đấy, thì
dụng ý của ngài cũng vẫn do sự so sánh mà phát xuất ra. Tất cả
những gì ngài cần làm đó là nhận thấy cái phức tạp mà ta gọi là
cuộc sống đây, chính nó là một cuộc đấu tranh do so sánh, và thấy
rằng mọi việc chen vào để biến cải sự thể ấy, đều khởi sinh từ cái
tâm địa tranh đua đấy thôi. Vậy chỗ trọng hệ là lắng nghe đây mà
đừng xuyên tạc bóp méo, và ta xuyên tạc bóp méo đi những gì ta
nghe ngay khi ta vừa khởi động niệm xen vào trong đó.
Ta có thể nhận thấy cả nội dung và ý nghĩa đích thực của loại tư
niệm này, thứ tư tưởng so sánh và đo lường hiện tượng sự sống.
Nó mê lầm trong ảo tưởng rằng việc so sánh tức là hiểu: so sánh tác
phẩm của hai họa sĩ, của hai văn sĩ; tự so sánh mình với một người
kém lanh lợi hơn, kém hiệu lực hơn mình, xinh đẹp hơn mình, vân