tin tưởng vào một hình thức bất tử nào đó. Với các ngài, sự chết là
một vật cách biệt với sự sống. Cái chết ở đằng kia, một nơi nào đó,
còn các ngài thì ở đây, đang lo sinh sống, đang bận lái xe, đang bận
hưởng khoái lạc dâm dục, đang cảm thấy đói, đang tạo ưu phiền,
đang chạy áp phe, đang tích trữ kiến thức, vân vân. Các ngài không
muốn chết vì các ngài chưa viết xong quyển sách của mình, vì các
ngài chưa chơi vĩ cầm tuyệt hay. Thế rồi các ngài phân chia sự chết
với sự sống và các ngài tự bảo: "Bây giờ tôi muốn hiểu sự sống, còn
sự chết thì sau rồi tôi sẽ hiểu". Thế nhưng, chết sống vốn không
cách biệt nhau, và đấy là điều trước tiên cần phải thấu hiểu. Sống và
chết là một. Chúng liên quan mật thiết với nhau. Ta không thể khu
biệt chúng ra và tìm hiểu cái này tách lìa cái kia được. Mà phần
đông chúng ta lại làm như thế. Ta chia cắt sự sống ra nhiều khu vực
kín mít, không dính dáng chi với nhau cả. Nếu các ngài là nhà kinh
tế học thì các vấn đề kinh tế là tất cả mối quan tâm của các ngài,
ngoài ra các ngài không biết chi hết. Nếu ngài là y sĩ chuyên môn về
mũi họng hay về tim thì ngài sống trong phạm vi hạn định của những
kiến thức đó suốt trong bốn năm chục năm và đó là thiên đàng của
ngài khi ngài chết.
Như tôi đã nói, hễ nhìn xét cuộc sống một cách chia ly manh mún là
sống triền miên trong điên đảo hỗn loạn, trong mâu thuẫn của đau
khổ. Cần phải nhìn thấy cái toàn thể của cuộc sống và ta chỉ có thể
nhìn thấy được cái toàn thể khi lòng tràn đầy trìu mến, thương yêu.
Tình thương là cuộc cách mạng duy nhất khả dĩ ổn định được trật tự
trong thế giới. Việc thu đạt thêm nhiều kiến thức về toán học, về y
học, về sử, về kinh tế và kế đó ráp nối tất cả các mảnh vụn ấy lại, là
điều hoàn toàn vô ích: hành vi đó không giải quyết được gì cả.
Không có tình thương thì mọi cuộc cách mạng đều đưa đến sự sùng
thượng nhà nước hay sùng thượng một hình ảnh hoặc đưa đến vô
số những hành vi trụy tồi tàn bạo làm hủy hoại con người. Cũng
tương tự như thế, vì sợ hãi cái chết, ta đặt nó cách khoảng với ta và
tách rời nó với cuộc sống thường nhật của ta, sự phân cách này chỉ
khiến phát sinh thêm sợ hãi, âu lo và gia tăng những lý thuyết về sự
chết. Muốn thấu hiểu sự chết, phải thấu hiểu sự sống. Sự sống
không phải là sự tương tục của tư tưởng và chính sự tương tục này
đã khởi dấy tất cả mọi đau khổ của ta.