hay là Khâm sứ… thảy đều chẳng là cái gì hết. Tóm lại, tôi cho lão ta thấy
là tôi nhất định không chịu lui. Lão linh mục nhìn tôi hết sức hằn học, sau
đó giật lấy hộ chiếu của tôi và mang lên gác. Một phút sau nó đã được
đóng dấu nhập cảnh. Đây, các vị có muốn xem không?” Tôi rút ra tờ hộ
chiếu và chìa ra con dấu thị thực của La Mã.
“Nhưng chuyện này, anh…,” viên tướng quân định nói.
“Việc anh tuyên bố anh là tên Do Thái và kẻ man di đã cứu anh.” gã
người Pháp cười khẩy “Cela n’éstait pas si bête”.
“Chẳng lẽ người ta xem người Nga chúng ta như thế? Họ ngồi đấy,
không dám thốt lên một câu, và có lẽ, sẵn sàng từ chối mình là người Nga.
ít ra trong khách sạn của tôi ở Paris, sau khi tôi kể cho mọi người nghe
chuyện to tiếng giữa tôi và viên linh mục, người ta bắt đầu đối xử với tôi
một cách quan tâm hơn. Một quý ngài Ba Lan to béo, người tỏ ra thù
nghịch với tôi nhất ở bàn ăn chung, bỗng ngồi tụt lại phía sau. Thậm chí
mấy người Pháp còn chuyển sang chỗ khác khi tôi kể chuyện cách đây hai
năm, vào năm mười hai, tôi chứng kiến một tay thợ săn người Pháp đã bắn
một người chỉ vì mỗi mục đích là muốn tháo đạn ra khỏi súng. Người bị
bắn khi đó hãy còn là cậu bé mười tuổi, và gia đình cậu không kịp rời khỏi
Moskva.”
“Không thể có chuyện ấy được,” gã người Pháp nổi khùng, “lính Pháp
không bắn vào trẻ con!”
“Thế nhưng chuyện ấy đã xảy ra,” tôi đáp. “Người kể cho tôi chuyện
này là một vị đại úy đáng kính đã về hưu, và chính mắt tôi đã nhìn thấy vết
sẹo từ viên đạn trên má ông.”
Gã người Pháp bắt đầu nói nhiều và nhanh. Tướng quân định bênh anh
ta, nhưng tôi khuyên ông nên đọc dù chỉ vài đoạn trong cuốn Hồi ký của
tướng Perovski, người từng bị quân Pháp bắt làm tù binh năm mười hai.
Cuối cùng bà Maria Filipovna nói câu gì đó để cắt ngang câu chuyện.
Tướng quân tỏ ra rất không hài lòng với tôi, vì tôi và gã người Pháp gần