cửa với mình). Trong khi những cường quốc phe Đồng minh (Entente) có
thể bán trái phiếu ở Mỹ và khắp Đế chế Anh dồi dào nguồn vốn, thì các
nước Liên minh Trung tâm (Đức, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ) chỉ có thể dựa
vào chính mình. Berlin và Vienna tuy cũng là các trung tâm tài chính quan
trọng nhưng không có được bề dày như London, Paris và New York. Kết
quả là việc bán trái phiếu chiến tranh ngày càng trở nên khó khăn hơn với
Đức và các đồng minh của họ khi nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước trở
nên bão hòa. Chính quyền Đức và Áo phải quay sang ngân hàng trung ương
để tìm tài trợ cho các khoản vay ngắn hạn sớm hơn, và với quy mô lớn hơn
so với ở Anh. Sự gia tăng số lượng tín phiếu kho bạc do ngân hàng trung
ương nắm giữ là tín hiệu báo trước lạm phát, bởi lẽ, khác với việc bán trái
phiếu ra công chúng, việc hoán đổi các hối phiếu này lấy tiền mặt sẽ làm
tăng cung tiền. Cho tới cuối chiến tranh, khoảng một phần ba các khoản nợ
của Đức là các khoản nợ "thả nổi" hay không được tài trợ, và một trạng thái
tiền tệ treo (monetary overhang)
đáng kể đã được tạo ra, mà chỉ có các
biện pháp kiểm soát giá cả thời chiến mới ngăn nổi nó trở thành lạm phát
cao hơn.
Bản thân thất bại cũng là cái giá đắt. Tất cả các bên đều đảm bảo với
người nộp thuế và chủ trái phiếu là kẻ thù sẽ phải chi trả cho chiến tranh.
Giờ đây gánh nặng chi trả thuộc về Berlin. Một cách hiểu siêu lạm phát sau
chiến tranh là xem nó như một hình thức phá sản của quốc gia. Những
người mua trái phiếu chiến tranh đã đầu tư vào lời hứa hẹn chiến thắng; thất
bại và cách mạng tương ứng với tình trạng vỡ nợ của quốc gia, và hậu quả
chính của tình trạng này nhất định sẽ rơi vào những chủ nợ của Đế chế Đức.
Ngoài thất bại thì những sự kiện cách mạng xảy ra từ tháng 11/1918 tới
1/1919 cũng ít có tác dụng trấn an các nhà đầu tư. Và cả hội nghị hòa bình
tại Versailles ấn định nghĩa vụ bồi thường chiến tranh không được xác định
rõ ràng cho Cộng hòa Weimar non trẻ cũng không thể làm các nhà đầu tư
yên lòng. Cho tới lúc tổng số tiền bồi thường cuối cùng được xác định vào
năm 1921, người Đức nhận ra mình vướng phải một khoản nợ nước ngoài
mới khổng lồ, với giá trị danh nghĩa 132 tỷ "mác vàng" (đồng mác trước