chiến tranh), tương đương với hơn ba lần thu nhập quốc dân. Dù không phải
tất cả khoản nợ này đều đẻ ra lãi suất ngay lập tức nhưng tiền bồi thường
chiến phí đã chiếm tới hơn một phần ba tổng chi tiêu của Đức trong hai
năm 1921 và 1922. Không có nhà đầu tư nào xem xét tình hình nước Đức
vào mùa hè năm 1921 lại có thể thấy lạc quan, và những dòng vốn nước
ngoài đổ vào nước này sau chiến tranh chỉ là những dòng tiền đầu cơ hay
tiền "nóng", chúng sẽ nhanh chóng rời khỏi Đức khi tình hình trở nên khó
khăn.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu coi siêu lạm phát năm 1923 chỉ đơn thuần là hậu
quả của Hiệp ước Versailles. Tất nhiên là người Đức muốn coi như thế. Họ
khẳng định trong suốt giai đoạn sau chiến tranh, rằng chính gánh nặng bồi
thường chiến phí đã làm thâm hụt cán cân vãng lai ở mức không thể duy trì;
rằng không còn có cách nào khác ngoài tiếp tục in thêm tiền mác giấy để tài
trợ thâm hụt; rằng lạm phát là hậu quả trực tiếp của việc đồng mác bị giảm
giá. Tất cả các lý do này là nhằm che lấp căn nguyên chính trị nội bộ của
cuộc khủng hoảng tiền tệ. Hệ thống thuế của Cộng hòa Weimar yếu một
phần vì chế độ mới không được sự thừa nhận của tầng lớp giàu có và họ từ
chối trả thuế. Trong khi đó, tiền bạc của nhà nước lại được tiêu xài hoang
phí, nhất là các khoản thanh toán tiền lương hào phóng cho các công đoàn
của khu vực nhà nước. Sự kết hợp giữa thuế khóa không đầy đủ và chi tiêu
quá mức đã tạo ra những khoản thâm hụt khổng lồ trong các năm 1919 và
1920 (cao hơn sản phẩm quốc dân ròng 10%), thậm chí trước cả khi những
người chiến thắng đưa ra hóa đơn đòi bồi hoàn chiến phí. Thâm hụt năm
1923 khi nước Đức hoãn bồi thường chiến phí còn cao hơn thế. Hơn nữa,
những người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế ở Weimar đầu thập
niên 1920 cảm thấy không có động cơ ổn định chính sách tài khóa và tiền tệ
của Đức, ngay cả khi một cơ hội thực sự đến vào giữa thập niên 1920.
Giới tinh hoa tài chính Đức tính toán rằng việc phá giá đồng tiền sẽ buộc
các nước phe Đồng minh phải chỉnh sửa lại các điều khoản bồi thường
chiến tranh, bởi vì việc phá giá khiến cho hàng xuất khẩu của Đức rẻ hơn
tương đối so với sản phẩm trong nước của Mỹ, Anh và Pháp. Đúng là việc