nhất, thất nghiệp tăng lên tới một phần tư số thành viên công đoàn, và một
phần tư khác làm việc với thời gian ngắn. Tồi tệ hơn cả là những chấn
thương về mặt xã hội và tâm lý do khủng hoảng gây ra. "Lạm phát là hiện
tượng đám đông theo nghĩa chặt chẽ nhất và cụ thể nhất của từ này," Elias
Canetti sau này viết về những gì ông trải qua thời trẻ tại thành phố
Frankfurt, nơi lạm phát leo thang. "[Đó là] một ngày hội phá giá của bọn
phù thủy khi con người và đơn vị tiền tệ của họ ảnh hưởng lẫn nhau mạnh
mẽ nhất. Cái này đại diện cho cái kia, con người cảm thấy mình cũng 'tồi tệ'
như tiền của họ; và điều này càng ngày càng tệ hơn. Cả hai bên đều phụ
thuộc vào nhau và đều cảm thấy vô giá trị như nhau."
Vô giá trị là sản phẩm chủ yếu của siêu lạm phát. Không chỉ tiền trở nên
vô giá trị mà tất cả các hình thức của cải và thu nhập cố định dựa theo đồng
tiền ấy đều trở nên như vậy. Cả trái phiếu cũng vậy. Siêu lạm phát không
thể xóa sổ nợ nước ngoài của Đức, được cố định theo đồng tiền trước chiến
tranh. Nhưng nó có thể và trên thực tế đã xóa hết tất cả khoản nợ trong
nước được tích lũy trong và sau chiến tranh, san phẳng núi nợ như một cơn
địa chấn kinh tế khủng khiếp. Tác động của nó tương tự như thuế: một
khoản thuế không chỉ đánh vào các chủ trái phiếu mà tất cả những ai sống
dựa vào thu nhập tiền mặt cố định. Tác động này có sức san bằng to lớn,
bởi vì nó ảnh hưởng chủ yếu tới tầng lớp trung lưu bậc trên: những rentier,
các viên chức cấp cao, những nhà chuyên môn. Chỉ có các doanh nhân là có
thể tự bảo vệ mình bằng cách đẩy giá tăng, tích trữ đô la, đầu tư vào các
"bất động sản" (như nhà cửa hay nhà máy) và trả nợ bằng tiền giấy bị phá
giá. Di sản kinh tế lâu dài của siêu lạm phát rất tồi tệ: đó là các ngân hàng