tư duy của con người. Như Marshall McLuhan đã nhận xét, "Phương tiện truyền
thông chính là thông điệp."
[1]
Một động lực công nghệ có tính cách mạng là kỹ thuật số hóa (digitalization),
trong đó thông tin được mã hóa thành các "bit", tức là các dãy số 0 và số 1. Các bit
này được các máy tính xử lý, mã hóa thành bản nhạc và đoạn băng video, và chuyển
qua đường điện thoại với tốc độ khó tin. Nicholas Negroponte, người lãnh đạo
Media Lab nổi tiếng của MIT, coi các "bit" này như đang thay thế các "nguyên tử".
Các công ty phần mềm không cần phải sản xuất các bộ đĩa mềm, rồi cho vào bao bì
có nhãn in, và vận chuyển bằng xe tải đến các đại lý ở khắp nơi, tại đó các khách
hàng sẽ đến mua nữa. Thay vào đó người ta chỉ cần gửi phần mềm qua Internet rồi
từ đó nó sẽ được tải xuống máy vi tính của khách hàng.
Chính công nghệ lại thúc đẩy động lực lớn thứ hai: toàn cầu hóa. Viễn cảnh của
McLuhan về một "Ngôi làng toàn cầu" nay đã trở thành hiện thực. Một nhà quản lý
tại Bangkok muốn mua cuốn sách này chỉ cần gõ lên bàn phím máy tính dòng chữ
"www.amazon.com", rồi nhập số thẻ tín dụng của anh ta vào, và thế là chỉ sau vài
ngày là nhận được sách thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh Federal Express. Một
nhà bán sỉ hoa tại Cologne (Đức) thiếu loại hoa hồng đỏ thì có thể đặt hàng và nhận
được hoa hồng bằng đường hàng không gửi từ Tel Aviv vào sáng hôm sau.
Ngoài công nghệ và toàn cầu hóa, còn có các động lực khác đang định hình nền
kinh tế. Sự nới lỏng luật lệ đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế. Các công ty được bảo
hộ, thường là các công ty độc quyền, nay bỗng chốc phải đương đầu với các đối thủ
cạnh tranh mới. Tại Mỹ, các công ty điện thoại đường dài như AT&T bây giờ có thể
thâm nhập vào các thị trường địa phương; và các công ty điện thoại khu vực Bell
cũng có quyền tương tự để thâm nhập vào thị trường điện thoại đường dài. Và các
công ty cung cấp hiện nay có thể bán điện và tải điện năng đến các cộng đồng dân
cư khác ngoài lãnh thổ của mình.
Một động lực có sức mạnh khác là tư nhân hóa, ở những khu vực mà trước đây
do các công ty nhà nước nắm giữ nay được chuyển sang sở hữu tư nhân và do tư
nhân quản lý, với niềm tin rằng chúng sẽ được quản lý tốt hơn và có hiệu quả hơn.
Điều này đã diễn ra khi Hãng hàng không Anh British Airways và Hãng viễn thông
Anh British Telecom được tư nhân hóa. Ngày nay nhiều sản phẩm và dịch vụ công
được chuyển ra ngoài cho các công ty tư nhân thực hiện, kể cả xây dựng và quản lý
các nhà tù, hệ thống các trường học, v.v…
Yogi Berra, cầu thủ bắt bóng huyền thoại của đội bóng Yankee, đã khái quát xu
hướng này bằng những lời sau, "Tương lai không còn giống với cái đã từng có". Nhẽ
ra anh ta phải nói thêm rằng: "Bạn có cảm thấy công ty của bạn đang bị các thú dữ
rượt đuổi? Nếu chưa, thì nên có cảm giác đó!" Thị trường thì tàn nhẫn. Jack Welch,
chủ tịch tập đoàn General Electric, thường bắt đầu các cuộc họp lãnh đạo công ty
bằng lời cảnh báo, "Thay đổi hay là chết." Richard Love của Hãng Hewlett-Packard
thì nhận xét rằng: "Nhịp điệu của sự thay đổi diễn ra nhanh chóng đến nỗi ngày nay